89 năm Công đoàn Việt Nam - một chặng đường vẻ vang

Cách đây 89 năm, ngày 28/7/1929, tổ chức Công đoàn Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặc quan trọng đối với quá trình đấu tranh, phát triển của phong trào công nhân Việt Nam; là hạt nhân vận động, tập hợp giai cấp công nhân dưới ngọn cờ cách mạng vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong 89 năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Cuối năm 1924, đầu năm 1925, tại Quảng Châu, đồng chí Nguyễn Ái Quốc, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, Người đặt cơ sở lý luận cho công đoàn Việt Nam đã đề ra tôn chỉ mục đích hoạt động của Công Hội, đào tạo hàng loạt cán bộ ưu tú trong tổ chức thanh niên cách mạng đồng chí hội mà nòng cốt là Cộng Sản Đoàn, Người cũng đề ra việc “vô sản hóa” – đi vào các xí nghiệp hầm mỏ, đồn điền để vận động giáo dục công nhân và tổ chức Công Hội. Cuối năm 1928, đầu năm 1929, nhiều tổ chức Công Hội đỏ được thành lập ở các xí nghiệp và phát triển, dần dần được thống nhất thành tổng Công Hội đỏ cấp tỉnh, thành phố.

Ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, Đại hội thành lập tổng Công Hội đỏ miền Bắc đã khai mạc. Đại hội thông qua các nhiệm vụ đấu tranh và điều lệ tóm tắt, quyết định ra tờ báo Lao động và tạp chí Công Hội Đỏ, bầu ban chấp hành.

Tiếp đó, các tổng Công Hội đỏ ở miền Trung, miền Nam, được thành lập. Từ năm 1930, tổng Công Hội đỏ đã được hoạt động khắp cả nước. Trải qua các thời kì cách mạng, dưới sự lãnh đạo cảu Đảng, Công Đoàn Việt Nam có nhiều tên gọi khác nhau để phù hợp với nhiệm vụ từng giai đoạn: Công Hội đỏ (1929-1935); Công nhân cứu quốc (1941-1945); Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (1946-1961); Tổng Công Đoàn Việt Nam (1961-1988); Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (1961 đến nay).

Bộ chính trị Ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã quyết định lấy ngày 28/7/1929, ngày họp đại hội thành lập tổng Công Hội đỏ đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam, làm ngày thành lập Công Đoàn Việt Nam. Đại hội đại biểu Công Đoàn toàn quốc lần V (tháng 11/1983) họp tại thủ đô Hà Nội đã nhất trí thông qua nghị quyết lấy ngày 28/7/1929 làm ngày thành lập tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Như một tất yếu của lịch sử,các tổ chức Công hội sơ khai ra đời; đặc biệt là tổ chức Công Hội đỏ do người công nhân ưu tú Tôn Đức Thắng (sau này là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) sáng lập đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ 20; tạo một bước ngoặt to lớn trong phong trào lịch sử đấu tranh của công nhân, đó là chuyển từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác, đã có những đóng góp quan trọng vào phong trào đấu tranh của công nhân thế giới. Bằng con đường "Vô sản hóa", nhiều tổ chức Công Hội Đỏ được thành lập ở các xí nghiệp và phát triển, dần dần được thống nhất thành Tổng Công hội Đỏ cấp tỉnh, thành phố...

Sự ra đời của Công đoàn cách mạng Việt Nam có ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào công nhân và sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam. Khẳng định luận điểm nổi tiếng của Lênin đó là "Giai cấp công nhân ở bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng chỉ phát triển và chỉ có thể phát triển bằng con đường Công Đoàn, bằng sự tác động qua lại giữa Công Đoàn và Đảng của giai cấp công nhân, chứ không thể bằng con đường nào khác".

Trong 89 năm qua, tổ chức Công Đoàn Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh; đã vận động, tập hợp đông đảo công nhân, viên chức, lao động dưới ngon cờ cách mạng do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo để có những đóng góp to lớn trong thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; tổ chức và vận động công nhân, viên chức, lao động hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Cùng với giai cấp công nhân Việt Nam, công nhân lao động Sài Gòn - Chợ Lớn đã nối tiếp và nâng cao truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc, đã xác lập và phát huy vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, cùng đồng bào các giới góp phần rất to lớn vào sự nghiệp giải phóng thành phố, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Từ năm 1975 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bộ Thành Phố Hồ Chí Minh, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thành Phố đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành, nghề, các thành phần kinh tế, thể hiện bản lĩnh và sự năng động sáng tạo trong lao động, luôn phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nhân, viên chức, lao động Thành Phố đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách và có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển Thành Phố. Những phong trào thi đua "Lao động giỏi - Lao động sáng tạo", "Thi đua về trước kế hoạch",... là những phong trào thi đua được CNVC-LĐ đồng tình hưởng ứng. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều những gương điển hình tiên tiến, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan, doanh nghiệp và người lao động.

Tiếp nối truyền thống của lớp thợ đàn anh tiêu biểu đi trước, lớp công nhân trẻ Thành Phố đã từng bước trưởng thành trong lao động sản xuất và là niềm tự hào của công nhân lao động thành phố. Các phong trào thi đua do Công Đoàn tổ chức và phát động đã đạt hiệu quả rõ rệt, khơi dậy ý thức trách nhiệm, nhiệt tình cách mạng, tinh thần lao động sáng tạo, ý thức tự lực tự cường, dám nghĩ dám làm, vượt qua khó khăn của đội ngũ CNVC-LĐ. Qua phong trào, xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu cho truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân; góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của Thành Phố trong từng giai đoạn cách mạng.

Đại hội Công đoàn Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2018 - 2023 vừa thành công tốt đẹp đã kế thừa và phát huy những thành quả đạt được, định hướng cho công tác công đoàn và phong trào CNVC-LĐ trong 5 năm tới với  3 Chương trình và 4 nội dung trọng tâm, 8 nhóm chỉ tiêu trực tiếp và 3 chỉ tiêu phối hợp để tập trung thực hiện trong thời gian tới theo khẩu hiệu hành động “Dân chủ - đoàn kết – hội nhập – phát triển”.

Hơn lúc nào hết, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động và Tổ Chức Công Đoàn cần học tập sâu sắc những bài học phát huy vai trò tiên phong của giai cấp mình trong tình hình mới. Vai trò đó đang đòi hỏi đội ngũ công nhân, viên chức, lao động phải kiên định con đường đi lên Chủ Nghĩa Xã Hội, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị và trí tuệ khoa học, đoàn kết giai cấp, đoàn kết dân tộc, gắn bó chặt chẽ với Đảng, góp phần tích cực vào việc đổi mới và chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng tổ chức Công Đoàn vững mạnh, giữ vững sự ổn định chính trị để cùng cả nước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

 

Nguồn tin: Ban cán sự giáo dục, Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh

Tin mới
Lượt truy cập
Đang truy cập:1615012
Đang truy cập: 164
Ban biên tập
Chịu trách nhiệm xuất bản
Hiệu trưởng
TS. VŨ QUẢNG

TRƯỜNG CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Số 7-9 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Phường Bến Nghé - Quận 1 - TP.HCM
Tel: 08-3.8291718 Fax: 08-3.8296336 | Website: iemh.edu.vn | Email: cbql.hcm@iemh.edu.vn