Cần có một chương trình bồi dưỡng công tác phòng chống bạo lực học đường tại các cơ sở giáo dục

          Mới đây, ngày 20/02/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành Chỉ thị số 505/CT-BGDĐT về việc Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục nhằm chấn chỉnh tình trạng “thời gian gần đây, đã xảy ra liên tiếp các vụ tai nạn thương tích, các vụ bạo hành, xâm phạm thân thể, sức khỏe, tinh thần trẻ em và học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, có trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng”.

          Thật vậy, chỉ sau 0,95 giây truy cập (ngày 26/02/2017), ta có ngay được 1.780.000 kết quả về bạo lực học đường với đầy đủ các dạng bài viết, bản tin, hình ảnh, video clip liên quan. Có thể kể ra một vài vụ việc xảy ra gần đây được đăng tải rộng rải trên các phương tiện thông tin đại chúng như: ngày 09/3/2016, do mâu thuẫn, một nhóm nữ sinh khối 11, Trường THPT Dầu Giây (Đồng Nai) hẹn nhau ra Khu trung tâm hành chính huyện giải quyết dẫn đến đánh nhau khiến một nữ sinh bị rách mặt. Theo em L.Y.N., học sinh lớp 11C12, giữa nhóm của Y.N. và bạn học cùng lớp là L.N.T.A. có mâu thuẫn với nhau từ trước, Y.N. nhiều lần chủ động xin gặp T.A. để hòa giải nhưng T.A. không chấp nhận mà hẹn đánh tay đôi. 

          Trong hai ngày 17 và 18/5/2016, trên mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh nữ sinh bị các bạn học cùng trường tập trung đánh hội đồng tại Đồng Nai. Trước đó, ngày 15/5, trên trang Facebook “Bien Hoa Young” đăng một đoạn clip dài 34 giây ghi hình một nữ sinh bị hai bạn nữ mang áo khoác hồng và tím nắm tóc, dùng tay, chân đánh liên tiếp vào mặt, đầu và người. Dù nữ sinh bị đánh đã xin lỗi nhưng vẫn bị hai nữ sinh tiếp tục đạp vào đầu. Đoạn clip đã thu hút 47.000 lượt xem, hơn 380 lượt chia sẻ và gần 500 lượt bình luận. Nhiều ý kiến bất bình, phẫn nộ về hành vi trên đồng thời yêu cầu hiệu trưởng vào cuộc xử lý.

          Ngày 27/10/2016, một đoạn clip kéo dài hơn 2 phút xuất hiện trên mạng xã hội quay lại cảnh nữ sinh bị hai người trực tiếp đánh đấm, lên gối, giật tóc, dùng chân đạp vào đầu. Thậm chí nữ sinh bị đánh còn bị bắt liếm chân bạn… gây phẫn nộ trong dư luận. Nạn nhân trong đoạn clip được xác định là em V. Th. T. U. (15 tuổi, học sinh cấp ba, ngụ khu phố 4, TT. Nhà Bè, TPHCM). Nguyên nhân sự việc là do mâu thuẫn chuyện tình cảm.

          Các vụ việc xảy ra đã ảnh hưởng không tốt đến an toàn tính mạng của học sinh, uy tín danh dự của đội ngũ nhà giáo, an ninh trật tự trường học và gây bức xúc trong xã hội. Có thể khẳng định bạo lực học đường đang là một vấn đề nổi cộm và gây rất nhiều bức xúc trong xã hội hiện nay. Nó là một bức tranh xấu và là một mảng tối trong giáo dục nước ta, làm ảnh hưởng không ít đến những cố gắng để nâng cao chất lượng giáo dục mà Đảng, Nhà nước và cả ngành giáo dục đang từng bước thực hiện.

          Vì vậy, công tác phòng chống bạo lực trong nhà trường hiện nay đang trở thành một nhiệm vụ bức thiết của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp và vai trò giáo dục của mỗi thầy, cô giáo trong nhà trường. Để chấn chỉnh tình trạng này, Chỉ thị 505/CT-BGDĐT đã yêu cầu: Các cơ sở giáo dục cần tăng cường bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tăng cường nền nếp, kỷ cương, xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, quan tâm giáo dục đối với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, Bí thư Đoàn THCS Hồ Chí Minh, Tổng phụ trách đội, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán bộ, nhân viên của nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh. Phát huy vai trò của học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và hành vi bạo lực xảy ra với bản thân và người xung quanh. Xử lý kịp thời nghiêm túc theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm…

          Chỉ thị cũng đặt ra yêu cầu đối với các đơn vị thuộc Bộ: Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường cho học sinh. Hướng dẫn thực hiện các quy định về xây dựng trường học an toàn. Đôn đốc, kiểm tra thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về xây dựng trường học an toàn trong các cơ sở giáo dục và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

          Như vậy, để thực hiện tốt các yêu cầu trên, bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bên cạnh việc tổ chức triển khai các quy định, phát động các phong trào hành động,... thì việc tập huấn, bồi dưỡng công tác phòng chống bạo lực học đường cho cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên và học sinh là vô cùng cần thiết. Cần có một chương trình bồi dưỡng công tác phòng chống bạo lực học đường cho các cơ sở giáo dục với mục tiêu hướng đến là:

           Về kiến thức, chương trình giúp người học nắm được các khái niệm cơ bản liên quan đến bạo lực và bạo lực học đường; nhận diện được các loại bạo lực học đường; hiểu được nguyên nhân và tác hại của bạo lực học đường.

          Về kỹ năng, chương trình trang bị cho người học có kỹ năng phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các hành vi bạo lực học đường; thực hiện được các biện pháp, tổ chức được một số hoạt động giáo dục phòng chống bạo lực xảy ra trong nhà trường.

          Về thái độ, người học ý thức sâu sắc về tác hại của bạo lực học đường; từ đó tích cực tham gia vào công tác giáo dục và thực hiện các hành động phòng chống bạo lực trong nhà trường.

 

          Thiết nghĩ, Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ sở bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước, với chức năng, nhiệm vụ của mình, cần có kế hoạch xây dựng và triển khai thực hiện chương trình bồi dưỡng công tác phòng chống bạo lực học đường cho các cơ sở giáo dục ở địa phương nhằm chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Chỉ thị số 505/CT-BGDĐT ngày 20/02/2017 về việc Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục.

2.      Bộ Giáo dục và Đào tạo (2009), Đổi mới phương pháp quản lý lớp học bằng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực, Hà Nội.

3.      Nguyễn Đắc Thanh, “Thực trạng các biện pháp ngăn ngừa bạo lực học đường ở các trường trung học cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh”, Đề tài cấp trường, ĐHSP, 2014.

4.      Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) (2014), Hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, Hà Nội.

 

TS. Trần Thanh Nguyện

Giảng viên khoa Quản lý Giáo dục - Trường Cán bộ quản lý giáo dục Tp. Hồ Chí Minh

Tin mới
Lượt truy cập
Đang truy cập:1613948
Đang truy cập: 829
Ban biên tập
Chịu trách nhiệm xuất bản
Hiệu trưởng
TS. VŨ QUẢNG

TRƯỜNG CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Số 7-9 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Phường Bến Nghé - Quận 1 - TP.HCM
Tel: 08-3.8291718 Fax: 08-3.8296336 | Website: iemh.edu.vn | Email: cbql.hcm@iemh.edu.vn