Cần sự chuẩn bị cấp bách cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới hiện hành ở các tỉnh thành phía Nam hiện nay

1.Sự cần thiết phải đổi mới chương trình giáo dục phổ thông

         Với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 hiện nay đã làm thay đổi toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội, chính trị, giáo dục của các nước trên thế giới. Do đó, buộc các nước phải tiến hành đổi mới giáo dục để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới hiện nay. Đối với Việt Nam, việc đổi mới giáo dục đã trở thành yêu cầu cấp thiết trong quá trình phát triển đất nước hiện nay. Thêm vào đó, Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28.11.2014 của Quốc hội nêu rõ, đổi mới chương trình - sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông. Mục tiêu đến năm học 2018 - 2019, nước ta bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp học là: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Vậy, cần phải làm gì để chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới hiện hành?

2. Vấn đề đặt ra cần giải quyết cấp bách đối với chương trình phổ thông mới ở các tỉnh thành phía Nam hiện nay là gì?

 Giáo viên và cán bộ quản lý cần trang bị những vấn đề gì?

         Để công cuộc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới hiện hành thì khâu quan trọng và quyết định là đổi mới giáo viên và cán bộ quản lý. Do đó, Bộ giáo dục cần xây dựng các chuẩn mới, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện các chuẩn hiện có, tiếp cận những yêu cầu về chuẩn phẩm chất và năng lực của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo yêu cầu thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa để có được bộ công cụ hữu hiệu nhất trong công tác quản lý, xây dựng và phát triển đội ngũ.

         Đối với giáo viên, việc thực hiện chương trình sẽ nảy sinh những vấn đề cần giải quyết như: thay đổi cơ cấu đội ngũ giáo viên ở các trường trung học cơ sở; giáo viên ở cấp học này phải chuyển từ dạy đơn môn sang dạy môn học có tính tích hợp rộng; sách giáo khoa phải được soạn lại theo cấu trúc môn học tích hợp; cơ cấu đội ngũ giáo viên cũng phải đa dạng hơn; quản lý kế hoạch dạy học ở nhà trường sẽ phức tạp hơn; chương trình phải được thiết kế có sự gắn kết, liên thông với nội dung đào tạo ở các trường nghề, trường đại học... Vì vậy, giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường phải được đào tạo lại, bồi dưỡng theo hướng trang bị kiến thức chuyên sâu; năng lực tư vấn nghề nghiệp, lựa chọn môn học. Những vấn đề này phải được quan tâm giải quyết thì mới bảo đảm tính hiệu quả, khả thi của chương trình mới.  

         Đối với cán bộ quản lý, cần phải có sự trang bị về kỹ năng quản lý trong tình hình mới. Bởi chất lượng cán bộ quản lý giáo dục được coi làm bệ đỡ để thực hiện thành công các mục tiêu về chất lượng giáo dục, đổi mới giáo dục. Nội dung chương trình giáo dục đã đổi mới cho nên việc quản lý cũng phải thay đổi. Trong bối cảnh đó, cán bộ quản lý phải quản lý sự thay đổi, phải có kỹ năng trong việc lên kế hoạch, xây dựng chương trình trong quá trình quản lý. Cán bộ quản lý cần giao quyền chủ động cho giáo viên trong quá trình dạy học chứ không phải cầm tay chỉ việc người quản lý không chỉ bằng kinh nghiệm cảm tính, bằng thói quen chủ quan mà cần được thực hiện trên cơ sở khoa học và thực tiễn đã được nghiên cứu và thực nghiệm một cách khả thi. Cán bộ quản lý phải được bồi dưỡng chuẩn năng lực nghề nghiệp mới trong bối cảnh đổi mới chương trình phố phông của nước ta hiện nay. Tóm lại, cán bộ quản lý cần phải được bồi dưỡng về cách thức để đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm phải sáng tạo và phát huy hết năng lực của mình cho sự phát triển của nhà trường.

Vậy đâu là giải pháp trong việc bồi dưỡng cấp tốc đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ở phía Nam trong tình hình hiện nay?

         Với chức năng, nhiệm vụ mà Bộ giáo dục và đào tạo giao cho mình, Trường Cán bộ quản lý giáo dục Tp.Hồ Chí Minh là một trong những đầu tàu cho toàn bộ sự nghiệp đổi mới giáo dục của nước nhà trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý ở khu vực phía Nam. Trường luôn là nơi để các Sở giáo dục và đào tạo của các tỉnh thành phía Nam tin tưởng giao nhiệm vụ trong việc bồi dưỡng cán bộ quản lý. Đội ngũ cán bộ quản lý mà nhà trường đào tạo, bồi dưỡng luôn là lực lượng quản lý nòng cốt ở các địa phương thuộc các tỉnh thành phía Nam. Tuy nhiên, trong tình hình mới hiện nay, Nhà trường cũng cần phải đổi mới nội dung, phương pháp trong chương trình trình bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý hiện có ở các tỉnh thành phía Nam để phù hợp với yêu cầu mới đặt ra. Chính vì  thế, Trường đã chủ động, tích cực, nhận thức rõ được trách nhiệm của mình trong việc nghiên cứu, tự đổi mới mình để đáp ứng với những yêu cầu đổi mới của Bộ giáo dục. Để thực hiện tốt việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thì phải tiến hành thay đổi cách thức, nội dung, tư duy làm việc, muốn vậy cần phải được bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Cho nên, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM cũng đang gấp rút nghiên cứu các chương trình để bồi dưỡng, nâng cao năng lực, bồi dưỡng chuẩn nghề nghiệp cho giáo viên, cán bộ quản lý ở khu vực phía Nam.

         Đối với đội ngũ giáo viên, nhà trường xác định cần bồi dưỡng cho họ về đổi mới tư duy, chú trọng tới trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, đổi mới phương pháp giảng dạy, hệ thống hóa lại kiến thức, kỹ năng liên quan đến các môn tích hợp trên cơ sở phát triển các năng lực nền tảng như: dạy học phân hóa, tích hợp; phát triển chương trình nhà trường; đánh giá năng lực học sinh, năng lực ngoại ngữ, tin học và các năng lực tổ chức các hoạt động học tập của học sinh để giải quyết những vấn đề của đời sống thực; thực hiện bài tập, thí nghiệm với các phương pháp dạy học nhằm phát huy sự sáng tạo của học sinh hay các sinh hoạt tập thể, hỗ trợ học sinh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, kỹ năng hướng nghiệp cho học sinh,... Nhà trường cũng đang triển khai các chương trình, dự án bồi dưỡng và ổn định đội ngũ giáo viên cốt cán cho các cấp học phổ thông theo địa bàn từng trường, từng huyện, từng tỉnh thuộc khu vực phía Nam. Thực hiện bồi dưỡng đạo đức nhà giáo có phẩm chất tốt, trình độ chuyên môn giỏi, trình độ đào tạo cao để phục vụ cho nhiệm vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiện nay. Bên cạnh đó, Trường Cán bộ quản lý giáo dục cũng tiến hành triển khai các chương trình bồi dưỡng trên cơ sở sẽ căn cứ cách tiếp cận định hướng phát triển năng lực của các chuẩn nghề nghiệp để xây dựng chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng trong đào tạo. Chuẩn đầu ra của các cơ sở đào tạo giáo viên phải ở mức đạt của chuẩn nghề nghiệp.

         Đối với đội ngũ cán bộ quản lý, Nhà trường xác định, cán bộ quản lý là một nghề với nhiều trọng trách cao cả nhưng cũng vô cùng vẻ vang. Chính vì thế trong quá trình bồi dưỡng cần chú trọng tới trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đồng thời phải chú trọng trình độ chuyên môn - nghiệp vụ quản lý như: khả năng xây dựng chiến lược, quản lý nguồn nhân lực, quản lý tài chính, hệ thống thông tin quản lý giáo dục, phát triển năng lực nghề nghiệp, năng lực tổ chức thực hiện và phát triển chương trình; năng lực lập kế hoạch phát triển nhà trường và năng lực hỗ trợ trong quản lý các trường phổ thông cũng như năng lực quản lý bản thân để đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Vấn đề đặt ra đối với chương trình sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới

         Đối với sách giáo khoa hiện đại cần phải thực hiện được hai chức năng cơ bản: một là nguồn cung cấp nội dung kiến thức và hai là hướng dẫn hoạt động dạy, hoạt động học. Song, với chức năng hướng dẫn quá trình sư phạm của sách giáo khoa sẽ giúp cho giáo viên được thực hiện bằng rất nhiều kịch bản, thậm chí mỗi giáo viên có cách tổ chức, dạy học khác nhau chi phối hoạt động nghiên cứu, sử dụng sách giáo khoa để đạt được mục tiêu và chuẩn chương trình môn học, ngay cả một giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa ở mỗi lớp cũng khác nhau. Với những lý do trên có thể vận dụng cơ chế một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, và đó cũng là xu hướng phổ biến trên thế giới.

         Thực hiện cơ chế một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau về cấu trúc, cách lựa chọn thông tin sẽ là cơ hội cho việc đổi mới giáo dục; đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Như vậy, cần phải thống nhất tiêu chí, yêu cầu sư phạm cơ bản đánh giá sách giáo khoa để dựa vào đó biên soạn, lựa chọn sách giáo khoa một cách sáng tạo, linh hoạt theo nhiều phương án khác nhau; phải công khai các quy định về yêu cầu, tiêu chí biên soạn sách giáo khoa mới tránh được những rủi ro phi sư phạm của sách giáo khoa. Đó chính là công cụ quản lý nhà nước về sách giáo khoa.

         Vấn đề đặt ra là phải lựa chọn được phương án quản lý chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông quốc gia, cơ chế quản lý mới sẽ huy động được sự tham gia đóng góp một cách trực tiếp của các địa phương, nhà trường, đội ngũ giáo viên, cộng đồng địa phương vào quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông quốc gia. Nội dung và phương thức đào tạo mới sẽ nảy sinh một loạt khó khăn trong quá trình bồi dưỡng và đào tạo lại. Chính vì thế, Trường Cán bộ quản lý giáo dục Tp.Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh việc phát triển Trung tâm kiểm định, đảm bảo chất lượng thành một trung tâm hoạt động độc lập lớn mạnh, từ đó có quyền đánh giá, đảm bảo chất lượng sách được các nhà xuất bản in ra.

          Thiết nghĩ, Trường Cán bộ quản lý giáo dục Tp.Hồ Chí Minh là một trường trọng điểm của quốc gia trong việc bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý chất lượng cao để đáp ứng  nhu cầu đổi mới chương trình phổ thông cho sự nghiệp giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và mạnh nhất là toàn Miền Nam nói riêng.

TS. Bùi Xuân Dũng, Giảng viên Bộ môn Lý luận chính trị

Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh

Tin mới
Lượt truy cập
Đang truy cập:1614516
Đang truy cập: 1083
Ban biên tập
Chịu trách nhiệm xuất bản
Hiệu trưởng
TS. VŨ QUẢNG

TRƯỜNG CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Số 7-9 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Phường Bến Nghé - Quận 1 - TP.HCM
Tel: 08-3.8291718 Fax: 08-3.8296336 | Website: iemh.edu.vn | Email: cbql.hcm@iemh.edu.vn