Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh với việc đổi mới công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Vài nét về Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh

          Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh tiền thân là trường Cán bộ Quản lý (CBQL) và nghiệp vụ thuộc Bộ Giáo dục Thanh niên Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam được thành lập theo quyết định số 18/QĐGD ngày 24-3-1976. Nhiệm vụ chính của nhà trường là đào tạo, bồi dưỡng CBQL và cốt cán chuyên môn nghiệp vụ cho các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục ở các huyện, tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng đến Cà Mau.

          Sau khi thống nhất đất nước, ngày 25-6-1976 Bộ Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có quyết định số 33/QĐ-VP tiếp tục duy trì và triển khai hoạt động của Trường CBQL và nghiệp vụ thuộc Bộ Giáo dục.

          Sau khi Bộ Giáo dục và Bộ Ðại học trung học chuyên nghiệp sát nhập, ngày 15-10-1990 Bộ GD&ĐT có quyết định số 1610A/QĐ-TCCB đổi tên Trường CBQL và nghiệp vụ thành Trường CBQL GD&ĐT II trực thuộc Bộ GD&ĐT. Ngày 22-1-1997 Bộ GD&ĐT có quyết định số 325/GD-ĐT sáp nhập Trung tâm bồi dưỡng giáo viên và thông tin quản lý giáo dục vào Trường CBQL GD&ĐT II.

          Theo quyết định về việc chuyển đổi cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo cơ cấu tổ chức quy định tại nghị định số 32/2008/ NĐ-CP ban hành ngày 14/4/2008, Trường CBQL GD&ĐT II đã được đổi tên thành Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh.

          Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Trường nhận được sự cộng tác của các cơ quan trực thuộc Bộ, đặc biệt là Cục đào tạo-bồi dưỡng giáo viên, Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Phổ thông cấp 2-3, cùng sự hợp tác của các Ty, Sở Giáo dục lúc đó, ngày 5-11-1976 Trường đã khai giảng lớp bồi dưỡng đầu tiên cho gần 100 Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường trung học của các tỉnh phía Nam. Từ đó tới nay, suốt hơn 40 năm Trường CBQL Giáo dục Tp.HCM đã không ngừng phát triển và lớn mạnh trong sự nghiệp giáo dục.

          Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP. Hồ Chí Minh luôn luôn duy trì và nâng cao vị trí của mình với tư cách là một trung tâm uy tín hàng đầu cấp quốc gia về đào tạo - bồi dưỡng cán bộ quản lý, công chức, viên chức Nhà nước ngành giáo dục và các đối tượng khác có nhu cầu với chất lượng theo chuẩn mực cao.

Về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo

          Thực hiện Luật Giáo dục và Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 88/2014/QH13), có thể hiểu: Chương trình giáo dục phổ thông là toàn bộ phương hướng và kế hoạch giáo dục phổ thông, trong đó nêu rõ mục tiêu giáo dục phổ thông, quy định yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực đối với học sinh, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học, chuyên đề học tập và hoạt động trải nghiệm sáng tạo (gọi chung là môn học) ở mỗi lớp và mỗi cấp học của giáo dục phổ thông.

          Chương trình tổng thể là phương hướng và kế hoạch khái quát của toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông, trong đó quy định những vấn đề chung của giáo dục phổ thông, bao gồm: Quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông và mục tiêu chương trình giáo dục của từng cấp học, yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung của học sinh cuối mỗi cấp học, các lĩnh vực giáo dục và hệ thống các môn học, thời lượng của từng môn học, định hướng nội dung giáo dục bắt buộc ở từng lĩnh vực giáo dục và phân chia vào các môn học ở từng cấp học đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc, định hướng về phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục và cách thức đánh giá chất lượng giáo dục của từng môn học, điều kiện tối thiểu của nhà trường để thực hiện được chương trình.

          Chương trình môn học là phương hướng và kế hoạch cụ thể của một môn học, trong đó xác định vị trí, vai trò môn học trong thực hiện mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông; mục tiêu và yêu cầu cần đạt của môn học về kiến thức, kỹ năng, thái độ và định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh ở mỗi lớp hoặc cấp học; nội dung giáo dục cốt lõi (bắt buộc) ở từng cấp học đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc; kế hoạch dạy học môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học; định hướng phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, cách thức đánh giá kết quả học tập của học sinh trong môn học.

Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông là hướng đến hình thành một thế hệ học sinh phát triển với 6 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi. Từ đó định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

          Triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với Chính phủ ban hành Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”.

          Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo - tập huấn về đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo định hướng tiếp cận năng lực để đào tạo, bồi dưỡng giáo đáp ứng định hướng chương trình sách giáo khoa mới cho 115 cơ sở đào tạo giáo viên trên toàn quốc. Đồng thời, Bộ đã tổ chức các khóa bồi dưỡng giáo viên chú trọng phát triển các năng lực nền tảng như: dạy học phân hóa, tích hợp; phát triển chương trình nhà trường; đánh giá năng lực học sinh, năng lực ngoại ngữ, tin học và các năng lực tổ chức các hoạt động học tập của học sinh để giải quyết những vấn đề của đời sống thực; thực hiện bài tập, thí nghiệm với các phương pháp dạy học nhằm phát huy sự sáng tạo của học sinh hay các sinh hoạt tập thể, hỗ trợ học sinh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo... Các giáo viên đã và đang cụ thể hóa các kết quả bồi dưỡng trong việc thực hiện chương trình phổ thông hiện hành cũng như chủ động đổi mới các hoạt động dạy và học.

Vấn đề tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

  • Mục tiêu và nội dung tập huấn

          – Với giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường:

          + Những yêu cầu mới về mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra – đánh giá quy định trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trong chương trình từng môn học.

          + Nâng cao năng lực về vận dụng các phương pháp dạy học, giáo dục, kiểm tra đánh giá theo định hướng tích hợp, phân hoá, phát triển năng lực học sinh; kĩ năng phát triển kế hoạch/ chương trình giáo dục nhà trường, chương trình môn học; hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo; kĩ năng tham vấn học đường, tư vấn hướng nghiệp; kỹ năng tin học…

          – Với cán bộ quản lý nhà trường:

          + Tổ chức tập thể sư phạm xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, sinh hoạt chuyên môn theo tinh thần xây dựng các tập thể giáo viên thường xuyên tự học và học tập lẫn nhau để nâng cao năng lực nghề nghiệp.

          + Kỹ năng xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên, khai thác nguồn lực… để dạy các môn học tích hợp, hướng dẫn hoạt động trải nghiệm sáng tạo, dạy học các chuyên đề/môn học tự chọn.

          + Tổ chức các hoạt động xã hội hoá giáo dục.

  • Hình thức và phương pháp tập huấn

          Phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin và thông tin, thực hiện chủ trương kết hợp tập huấn, bồi dưỡng qua mạng với tập huấn trực tiếp. Tất cả các giáo viên đều được tương tác với các nguồn tài nguyên về chương trình và sách giáo khoa mới: các tác giả, chuyên gia giáo dục, các nhà sư phạm, văn bản chương trình, sách giáo khoa, thí nghiệm và thiết bị dạy học và các tài liệu giáo dục liên quan…

          Với định hướng đó các nội dung tập huấn cần được biên soạn dạng kỹ thuật số và tải hết lên mạng thông tin và các phương tiện truyền thông để tiện cho giáo viên tham khảo ở mọi lúc, mọi nơi. Tổ chức cho giáo viên trao đổi, thảo luận, nêu thắc mắc; cử giảng viên theo dõi, hướng dẫn, giải đáp qua mạng hoặc trực tiếp tập huấn những vấn đề cần thống nhất cho giáo viên cốt cán của trường phổ thông.

          Đội ngũ giáo viên cốt cán không phải là người nói lại nội dung tập huấn của giảng viên mà là hạt nhân tổ chức thực hiện và tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dạy học chương trình và sách giáo khoa mới trong từng trường hoặc cụm trường.

          Đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn theo hình thức nghiên cứu bài học, lấy đó làm hình thức bồi dưỡng và tự bồi dưỡng thường xuyên của từng giáo viên và tập thể giáo viên.

Trường cán bộ quản lý giáo dục thành phố Hồ Chí Minh với việc đổi mới công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông tổng thế

          Trong bài phát biểu của nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, TS. Nguyễn Vinh Hiển [5] tại Hội thảo Câu lạc bộ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các Tỉnh, thành phía Nam năm 2016 với chủ đề “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa” có đề nghị Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cần thay đổi hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng. Thay vì tập trung bồi dưỡng kiến thức theo hướng truyền thụ nặng về lý luận thì tăng cường hội thảo, trao đổi để có sự tương tác giữa giảng viên và học viên, giữa học viên với nhau; những vấn đề về lý luận quản lý thì chủ yếu “để” trên mạng và tìm đọc trên mạng internet. Từ kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn qua hoạt động bồi dưỡng, giảng viên và học viên học hỏi lẫn nhau. Học viên có kiến thức khoa học từ thầy cô đồng thời kinh nghiệm thực tiễn từ các học viên khác; giảng viên có điều kiện tiếp thu làm giàu kiến thức thực tiễn từ học viên để tiếp tục vận dụng giảng dạy cho các trường, sở khác; Với sự đổi mới hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng như trên sẽ đem lại kết quả tốt.

          Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông. Trong đó, vừa bồi dưỡng giáo viên có các năng lực thực hiện nhiệm vụ, vừa tổ chức đào tạo mới, đào tạo lại với những giáo viên dạy liên môn hoặc các môn học mới. Trong bài phát biểu với báo Dân trí ngày 1/5/2017, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hoàng Đức Minh đã nhấn mạnh: Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phải đi trước một bước, hiện nay, Bộ đã hoàn thành quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông. Trong đó vừa bồi dưỡng giáo viên có các năng lực thực hiện nhiệm vụ, vừa tổ chức đào tạo mới, đào tạo lại với những giáo viên dạy liên môn hoặc các môn học mới” [8].

          Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, cùng với những đổi mới về chương trình, sách giáo khoa và quán triệt nghị quyết 29-NQ/TW tại hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Trường Cán bộ quản lý giáo dục thành phố Hồ Chí Minh đã và đang đổi mới công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông tổng thể:

          Một là, thay đổi nhận thức về vai trò của cán bộ quản lý giáo dục

          CBQLGD có vai trò của người điều hành một hệ thống lớn và phức tạp, đồng thời thực thi các chính sách giáo dục đa dạng và mềm dẻo để giải quyết một cách chủ động và sáng tạo các vấn đề mới nảy sinh như: Phân cấp quản lý, trách nhiệm xã hội, huy động nguồn lực, dân chủ hóa giáo dục, tin học hóa quản lý... CBQLGD đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo thực hiện thành công chính sách giáo dục và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục.

          CBQLGD cần phải được trang bị những kiến thức về lý luận quản lý hiện đại, nghiệp vụ quản lý thiết thực mang tính chuyên nghiệp, đặc biệt cần có các kĩ năng quản lý của thế kỷ 21: kĩ năng giao tiếp và liên nhân cách; định hướng đạo đức và trí tuệ; kĩ năng quản lý sự thay đổi; khả năng khơi dậy và nuôi dưỡng động lực; có tầm nhìn chiến lược; kĩ năng phân tích và giải quyết vấn đề; kĩ năng xây dựng tư duy toàn cầu; dám nghĩ, dám làm; nhạy bén với các xu thế thị trường; sử dụng công nghệ thông tin, có năng lực hoạt động thực tiễn, năng lực đối ngoại... để trở thành nhà quản lý có đủ bản lĩnh biến chủ trương, chính sách thành hiện thực; trở thành nhà quản lý trong sạch và thạo việc, thực hiện đúng chức trách một cách chuyên nghiệp, hoạt động theo nguyên tắc minh bạch và hiệu quả.

          Thứ hai, đổi mới chương trình đào tạo - bồi dưỡng CBQLGD

          Việc đổi mới chương trình bồi dưỡng CBQLGD căn cứ vào mô hình đa chiều về phẩm chất, năng lực của CBQLGD. Xu hướng phát triển chương trình bồi dưỡng là căn cứ vào yêu cầu đầu ra để thiết kế mục tiêu, nội dung chương trình. Nhà trường chú trọng đến việc xây dựng chương trình bồi dưỡng ngắn hạn để cấp chứng chỉ, chứng nhận đáp ứng nhu cầu của từng địa phương. Các chương trình được xây dựng đều có sự kết hợp ở mức độ khác nhau giữa lý luận cơ bản và nghiên cứu khoa học QLGD và thực hành giải quyết các tình huống, các giải pháp và kinh nghiệm QLGD. Xác định nội dung chương trình bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội và người học.

          Thứ ba, đổi mới phương pháp dạy học

          Đổi mới phương pháp dạy học trong bồi dưỡng CBQLGD theo hướng cơ bản là tích cực hóa hoạt động học tập của học viên, phát huy tính độc lập, sáng tạo của họ, giúp học viên nắm được cách học, cách tự học. Đổi mới phương pháp dạy học giúp học viên vận dụng tốt tri thức vào QLGD, huấn luyện các kỹ năng quản lý ở các mặt nghiệp vụ cụ thể; khai thác tính "tự phát hiện", "tự học" trong học tập. Đổi mới PPDH gắn liền với đổi mới cách thức kiểm tra - đánh giá trong đào tạo - bồi dưỡng.

          Các hướng đổi mới phương pháp dạy học cụ thể:

          - Tăng cường phương pháp dạy học "Đặt và giải quyết vấn đề"; dạy học "Kiến tạo";

          - Thực hiện tốt phương châm đổi mới phương pháp dạy học: dạy học tạo điều kiện để học viên suy nghĩ nhiều hơn, làm nhiều hơn, thảo luận nhiều hơn ở mỗi bài giảng và được thực hiện thông qua các biện pháp cụ thể;

          - Đổi mới mục tiêu dạy học của từng bài giảng QLGD tập trung nhiều hơn vào việc hình thành năng lực hoạt động, giúp học viên tự phát hiện và giải quyết vấn đề, giải quyết tình huống QLGD thực tế một cách chủ động và sáng tạo;

          - Đổi mới hoạt động giảng dạy của giảng viên: Giảng viên thiết kế, tổ chức, điều khiển hoạt động học tập của học viên theo mục tiêu cụ thể của mỗi bài giảng cần đạt; tổ chức hoạt động trên lớp: hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm, tìm tòi, phát hiện; định hướng điều chỉnh các hoạt động trên lớp của học viên. Thiết kế việc sử dụng phương tiện trực quan, hiện tượng thực tế, tình huống có thật về QLGD; tạo điều kiện cho học viên được vận dụng nhiều hơn tri thức của mình để giải quyết các vấn đề có liên quan đến QLGD;

          - Đổi mới hoạt động học tập của học viên theo hướng học viên là chủ thể tích cực, chủ động chiếm lĩnh kiến thức và kỹ năng.

          Thứ tư, đổi mới các hình thức tổ chức dạy học

          Thực hiện các hình thức tổ chức dạy học phù hợp với nguyên tắc và phương pháp dạy học dành cho người lớn: tăng cường tính thực hành, hoạt động tương tác, hoạt động nhóm, giải quyết vấn đề, đánh giá tin cậy, học tập thực địa... Áp dụng các hình thức tổ chức dạy học trong điều kiện cụ thể cho phép như: thảo luận nhóm, sêmina, tạo điều kiện và không khí thuận lợi để học viên tranh luận với giảng viên với bạn và tự đánh giá cũng như đánh giá lẫn nhau. Thực hiện quy trình giảng bài trên lớp để tích cực hóa hoạt động học tập của học viên./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Bí thư Trung ương Đảng CSVN, Chỉ thị 40/CTTW về "Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục" ngày 15/6/2004, Hà Nội, 2004.
  2. Nguyễn Hữu Châu (2008), Chất lượng giáo dục những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  3. Chính phủ (2001), Chỉ thị 18/2001/CT-TTg về Những biện pháp cấp bách đối với việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD, Hà Nội.
  4. Nguyễn Công Giáp (2008), Nghiên cứu các giải pháp QLGD trong môi trường hội nhập WTO; Đề tài trọng điểm cấp Bộ, Hà Nội.
  5. Nguyễn Vinh Hiển (2016), Nhiệm vụ của nhà trường, cán bộ quản lý và giáo viên trước yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Tạp chí quản lý giáo dục, Trường CBQLGD TP.HCM, số 02, 10/2016.
  6. Lưu Xuân Mới (2002), Đổi mới PPDH nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD. Thông tin QLGD số 4- 2002.
  7. Lưu Xuân Mới 92002) Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD. Tạp chí TTKHGD - số 3 /2002.
  8. http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chuong-trinh-gdpt-tong-the-dao-tao-boi-duong-giao-vien-phai-di-truoc-mot-buoc-20170501164236134.htm

TS. Phạm Thanh Bình, Giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục

Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh

 

Tin mới
Lượt truy cập
Đang truy cập:1614524
Đang truy cập: 1084
Ban biên tập
Chịu trách nhiệm xuất bản
Hiệu trưởng
TS. VŨ QUẢNG

TRƯỜNG CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Số 7-9 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Phường Bến Nghé - Quận 1 - TP.HCM
Tel: 08-3.8291718 Fax: 08-3.8296336 | Website: iemh.edu.vn | Email: cbql.hcm@iemh.edu.vn